Từ cáp viễn thông bùng nhùng tới CMCN 4.0

0
304

Từ cáp viễn thông bùng nhùng tới CMCN 4.0

Hiệu Minh

(TBKTSG) – Hôm trước có nhu cầu mua dây nối USB cho máy tính, tôi định phóng xe ra phố, nhưng anh bạn bảo, Lazada bán trên mạng. Vài cú nhấn chuột, gõ địa chỉ, kết nối qua Facebook, sáng hôm sau cái dây đã tới nhà với giá 72.000 đồng, kể cả công vận chuyển. Cách mạng 4.0 (CMCN 4.0) đấy, thương mại điện tử (E-Commerce), Internet vạn vật (IoT), hệ sinh thái số đấy.

CMCN 4.0 giống như điểm khởi đầu mới cho những ai dám thay đổi, tiếp nhận những xu thế mới. Ảnh: THÀNH HOA

Ngó ra ban công thấy dây viễn thông chằng chịt, bên ngành điện đã chôn gần hết, nhưng bên ngành viễn thông vẫn kiểu “sinh thái tổ cò”, số lượng dây của FPT hay Viettel không nhỏ. Nền tảng đó thì để làm sinh thái số chắc còn khá xa, sẽ mất bao tiền để làm lại và chôn cáp.

Vào đọc báo mạng thấy tin sốt cho dân công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói trong hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN rằng, mặt bằng chung của ASEAN vẫn là một khu vực đang phát triển. Đối với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới thì vẫn bị coi là “người đi sau”. Và theo ông, đây cũng chính là sức mạnh riêng.

Ông lý giải, chỉ những người đi sau và chưa có nhiều thành tựu mới sẵn sàng và đủ dũng cảm từ bỏ những cái cũ để thay đổi. CMCN 4.0 thực chất là cách mạng về chính sách hơn là về công nghệ.

Rồi tương lai của một quốc gia nhờ CMCN 4.0 không phụ thuộc nhiều vào nền tảng trong quá khứ. Cuộc cách mạng này giống như điểm khởi đầu mới cho những ai dám thay đổi, tiếp nhận những xu thế mới, ông Hùng chia sẻ.

Tháng 2-2017 trên báo điện tử VnExpress, ông Nguyễn Thành Nam, người tham gia sáng lập tập đoàn FPT, cựu Tổng giám đốc FPT và đang là Phó chủ tịch Đại học FPT, nói về giấc mơ phát triển Việt Nam – vốn có tới hai phần ba dân số là nông dân – thành một quốc gia công nghệ thông tin (CNTT) như Ấn Độ và về tiềm năng lập trình của người Việt.

Ông cho rằng: “Một chương trình đào tạo trong vòng 16-20 tháng với một chi phí đầu tư chấp nhận được cho gia đình hoàn toàn có thể bắc cầu cho các cậu bé “chăn bò” từ miền Trung nghèo khổ và các vùng của đất nước có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này”.

So sánh với Ấn Độ, một quốc gia hơn một tỉ người cũng hầu hết là nông dân mà vẫn có nền CNTT và lực lượng lập trình thuộc tốp trên thế giới, Việt Nam chẳng có gì mà phải lo, ông Nam nói.

Quả thật, tại các công ty ICT lớn mang tầm toàn cầu, cánh trẻ ngồi mài đũng quần miệt mài bên những bai bít hầu hết đến từ châu Á mà chiếm số đông là người Ấn Độ. Người Việt cũng không ít. Cỡ tài năng như Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird không phải là hiếm.

Tầm nhìn của hai ông lớn Viettel và FPT không có gì phải bàn. Nhưng đó mới là tiềm năng, kể cả việc xây dựng mạng xã hội mang sắc màu xứ ta.

Mạng xã hội “Made in Vietnam”

Ý tưởng xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam là hoàn toàn hiện thực. Người Việt làm gì chẳng được vì mọi bộ phận cơ thể giống dân Âu, dân Úc, dân Phi, Trung Quốc. Cứ nói Tây làm được chứ ta không là không đúng.

Tạo ra một Facebook hay Google “Made in Vietnam” không khó. Cái khó là tìm ra khách hàng dùng để họ tạo ra tiền cho chính họ. “Họ” ở đây là từ Việt Nam, từ Lào sang Campuchia, châu Á, và xa hơn là toàn cầu.

Hiện Facebook đã có 2,2 tỉ tài khoản trên thế giới, 52 triệu tài khoản tại Việt Nam – một quốc gia năng động ở khu vực. Rất nhiều giao dịch điện tử (bán hàng trực tuyến, kết nối Grab, quảng cáo hàng, diễn đàn nghề nghiệp, kết nối chuyên nghiệp…) đang dựa vào nền tảng Facebook với hàng chục triệu người dùng hàng ngày. Để thay đổi dòng người dùng đó sang một ứng dụng mới là một thách thức không nhỏ ngay cả với những ông lớn tên tuổi.

Khoảng năm năm trước, Google đã đưa biểu tượng Google Glass là Thực tại tăng cường (AR – Augumented Reality) cho Thực tại ảo (Virtual Reality) với hứa hẹn làm thay đổi cách tương tác của nhân loại, nhưng đó chỉ là lời hứa suông. Hiện AR vẫn đang thai nghén bởi Facebook, Google, Snap.

Năm 2017, Forbes đưa ra bảy xu hướng truyền thông xã hội(*), có nhắc đến AR, livestream vì 80% người dùng muốn xem video hơn là đọc blog, quyền riêng tư và nguồn mở cũng được ưu tiên, quảng cáo, thương hiệu lớn phải thay đổi cách thức truyền thông dựa vào truyền thông xã hội.

Nếu nghiên cứu kỹ thị phần thế giới sẽ có bức tranh tốt hơn cho phát triển mạng xã hội “Made in Vietnam”. Nếu chỉ bó gọn sau lũy tre làng thì làm cũng được, nhưng câu hỏi tiếp theo là nếu ứng dụng tuyệt vời thì liệu có bán sang Mỹ hay Trung Quốc được không.

Trẻ trâu lập trình

Giấc mơ “trẻ trâu” hay nông dân lập trình cũng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Tuy nhiên, so với Ấn Độ, Việt Nam thiếu vài thứ… nho nhỏ.

Từ những năm 1960, Ấn Độ đã có bảy viện CNTT (IIIT – Indian Institutes of Information Technology) chuyên đào tạo chuyên gia CNTT nổi tiếng thế giới. Tới nay họ có 20 viện như vậy ở hầu hết các bang. Tầm nhìn nhiều thập kỷ của lãnh đạo Ấn Độ đã giúp CNTT nước này có số má toàn cầu.

Ấn Độ từng là thuộc địa của Anh nên tiếng Anh phổ biến trong trường học. Tiếng Anh được dùng trong công sở, họp chính phủ, trên ti vi, radio… Học sinh, sinh viên đều thông thạo thứ tiếng “thuộc địa” này và đây chính là chìa khóa cho CNTT phát triển.

Hiện nay rất nhiều công ty Mỹ áp dụng trợ giúp khách hàng qua điện thoại thông qua các công ty Ấn Độ, nhất là trợ giúp về CNTT.

Thay vì trả cho một nhân viên Mỹ da trắng 60.000 đô la Mỹ/năm, chưa kể bảo hiểm và các lợi tức khác lên tới 120.000 đô la Mỹ và họ chỉ làm 40 giờ một tuần, công ty Mỹ sẽ thuê một người Ấn Độ làm với chất lượng tương tự nhưng chỉ phải trả 10.000 đô la Mỹ/năm và giờ làm việc có thể là 24/7 mà không cần bàn làm việc, bảo hiểm.

Người Ấn Độ đang học tiếng Anh kiểu Anh, kiểu Úc, kiểu Mỹ… để khách hàng các nước đó gọi đến không có cảm giác đang nói với người Ấn nói tiếng Anh chuyên ăn món cà ri.

Để có những lập trình viên cỡ toàn cầu thì quốc gia phải có nền tảng CNTT chắc chắn và trình độ ngoại ngữ không kém ai. Ngoài lập trình còn phải biết trao đổi với đối tác, lập hồ sơ, viết báo cáo… bằng tiếng Anh. Thiếu phần sau sẽ chỉ là anh thợ làng nhàng, thuê ở đâu cũng có.

Đôi lời cuối

Như quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói, các quốc gia đang phát triển nếu đột phá, tạo ra những thay đổi chưa từng nghĩ sẽ làm thì sẽ linh hoạt trong việc đón nhận, thích nghi những mô hình, chính sách mới để từ đó phát triển thuận lợi hơn.

Việt Nam có Internet trải rộng khắp nước, lan sang cả khu vực. Dấu chân của Viettel đã sang Lào, Myanmar, Campuchia và nhiều quốc gia khác. Việt Nam cần thay đổi trình độ ngoại ngữ cho 70% dân số là nông dân, kể cả khả năng tranh luận trước đám đông, mà hiện nay giới trẻ chỉ cãi giỏi ở sau lũy tre làng, xa bờ một chút là ngồi im. Đó là cách thích nghi đơn giản và hiệu quả cho phát triển.

Viết tới đây thấy ngoài cửa sổ chim hót véo von, một chú chim sẻ nhảy nhót trên mớ bùng nhùng dây viễn thông. Người viết bài chợt nghĩ, nếu chim không còn dây cáp để đậu và thay vào đó là những hàng cây xanh rợp bóng thì khi đó mới có một hệ sinh thái số theo đúng nghĩa và cả hệ sinh thái sạch thật cho con người sống khỏe mạnh.

Chuyện biến trẻ trâu thành lập trình sẽ không quá khó và xây dựng mạng xã hội “Made in Vietnam” chẳng phải giấc mơ. Nếu ứng dụng mới giúp cho người Mỹ ngồi ở California đặt dây USB của Lazada tại Hà Nội nhưng ship lại sang tận London bởi ứng dụng được tin cậy, chính xác và giá thành nhỏ hơn 20 đô la Mỹ như bên Mỹ, thì chẳng có lý do gì mà thế giới không dùng.

(*) https://www.forbes.com/sites/jaysondemers/2017/12/27/7-social-media-trends-that-will-dominate-2018/#7558f63625fb

Nguồn: thesaigontimes.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.